Theo quy định tại Nghị định 123, hành vi cố tình bán đất khi không có sổ đỏ hoặc đang tranh chấp sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 của Luật Đất đai năm 2024, để được phép thực hiện các giao dịch mua bán, đất đai phải đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý như sau: có sổ đỏ hợp pháp, không có tranh chấp, không bị kê biên hay chịu các biện pháp bảo đảm thi hành án, vẫn còn thời hạn sử dụng và không chịu các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là những yếu tố tiên quyết nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp pháp của giao dịch đất đai.

Nghị định 123/2024, có hiệu lực từ ngày 4 tháng 10 năm 2024, đã ban hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo Khoản 3 Điều 17 của Nghị định, hành vi chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính từ 30 đến 50 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, tương đương từ 60 đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi cố ý bán đất khi chưa có sổ đỏ hoặc đất đang trong tình trạng tranh chấp không chỉ bị phạt tiền mà còn bị buộc hoàn trả lại đất cho bên mua. Hợp đồng giao dịch cũng sẽ bị tuyên vô hiệu và các khoản lợi bất hợp pháp thu được từ giao dịch sẽ phải nộp lại. Trong trường hợp đất đủ điều kiện cấp sổ đỏ, người sử dụng đất cũng sẽ bị buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký đất đai.

Nghị định 123/2024 cũng quy định mức phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai khi làm sổ đỏ lần đầu. Cụ thể, Điều 16 nêu rõ rằng, người vi phạm sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng nếu không đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại Điều 132 của Luật Đất đai. Điều này áp dụng cho các trường hợp đất đang sử dụng nhưng chưa đăng ký, đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để sử dụng, hoặc đất được giao để quản lý nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định xử phạt hành vi tự ý sửa đổi thông tin trên sổ đỏ. Theo đó, việc tự ý sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng, đồng thời sổ đỏ đã bị sửa chữa, tẩy xóa sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi.

Trường hợp sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện các giao dịch mua bán nhà đất, người vi phạm có thể đối diện với mức xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Theo Khoản 3 Điều 27 của Nghị định 123/2024, việc sử dụng giấy tờ giả trong thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan đến đất đai mà chưa đến mức xử lý hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, giấy tờ giả sẽ bị tịch thu và toàn bộ kết quả của các thủ tục đăng ký biến động sử dụng đất liên quan đến hồ sơ giả cũng sẽ bị hủy bỏ.

Những quy định chặt chẽ này nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch.

Nguồn: dantri.com.vn

Bình luận về bất động sản này

%d bloggers like this: