UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 26/2024/QĐ-UBND ngày 18/10/2024 quy định một số nội dung của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó quy định điều kiện, dịch tích tối thiểu của việc tách thửa.
Điều kiện tách thửa ở Hà Tĩnh
Điều kiện tách thửa đất quy định tại khoản 4 Điều 220 Luật Đất đai được quy định như sau:
Việc tách thửa đất theo nhu cầu của người sử dụng đất trong các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện theo các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai và đảm bảo điều kiện tách thửa theo Quy định này.
Trường hợp tách thửa đất thuộc các dự án đầu tư, các khu dân cư có quy hoạch chi tiết được duyệt hoặc bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận mà có quy chế quản lý riêng thì việc tách thửa áp dụng theo quy chế quản lý đó.
Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 220 Luật Đất đai thì phải đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất sử dụng làm lối đi theo quy định. Trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất để hình thành đường giao thông, mương thoát nước hoặc sử dụng vào mục đích công cộng thì UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích đất trả lại.
Không thực hiện tách thửa đối với phần diện tích của thửa đất thuộc khu vực thực hiện dự án đã có văn bản chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật trong khoảng thời gian 02 năm kể từ thời điểm chấp thuận đầu tư hoặc khu vực đã có thông báo thu hồi đất.
Diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa (Điều 13) ở Hà Tĩnh
Diện tích tối thiểu tách thửa đất quy định tại khoản 4 Điều 220 Luật Đất đai được quy định như sau:
Diện tích tối thiểu của thửa đất ở sau khi tách thửa:
a) Đối với thửa đất ở khu vực đô thị (các phường thuộc thành phố, thị xã và thị trấn); xã Thạch Kim thuộc huyện Lộc Hà; xã Cẩm Nhượng thuộc huyện Cẩm Xuyên): diện tích tối thiểu bằng 50m2, có kích thước cạnh tiếp giáp và chiều sâu thửa đất tính vuông góc với đường giao thông tối thiểu 4m; nếu hình thành lối đi mới và mương thoát nước thì tổng chiều rộng của lối đi và mương thoát nước tối thiểu 4m.
b) Đối với thửa đất ở tại các xã thuộc thành phố, thị xã và khu vực nông thôn: các vị trí bám đường giao thông Quốc lộ, Tỉnh lộ: diện tích tối thiểu bằng 60m2; các vị trí còn lại diện tích tối thiểu bằng 75m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp và chiều sâu thửa đất tính vuông góc với đường giao thông tối thiểu 5m; nếu hình thành lối đi mới và mương thoát nước thì tổng chiều rộng của lối đi và mương thoát nước tối thiểu 4m.
c) Trường hợp tách thửa đất có cạnh tiếp giáp đường giao thông có kích thước nhỏ hơn 4m (đối với khu vực quy định tại điểm a khoản này) hoặc nhỏ hơn 5m (đối với khu vực quy định tại điểm b khoản này) nhưng phần phía trong của thửa đất có diện tích, kích thước cạnh theo phương song song với đường giao thông và chiều sâu thửa đất tính vuông góc với đường giao thông đảm bảo theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì được phép tách thửa.
d) Trường hợp người sử dụng đất đề nghị tách thửa đất có nhiều mục đích sử dụng khác nhau (đất ở, đất vườn ao, đất sản xuất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở) thì thửa đất có mục đích đất ở hình thành sau khi tách thửa phải có diện tích đất ở đảm bảo điều kiện được tách thửa theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.
đ) Diện tích thửa đất quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này không tính phần diện tích thuộc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình công cộng đã được nhà nước công bố, cắm mốc tại thực địa hoặc phần diện tích đất phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để thực hiện công trình theo tuyến (giao thông, kênh mương, đường điện, …).
Diện tích tối thiểu của mỗi thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa:
a) Đối với đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất làm muối không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa bằng 500m2.
b) Đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, đất chăn nuôi tập trung không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa bằng 1.000m2.
c) Đối với đất nông nghiệp là đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở hoặc đất vườn, ao có nguồn gốc được tách từ thửa đất trong cùng thửa đất ở và thuộc khu vực quy hoạch đất ở hoặc khu dân cư hiện hữu thì diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi được tách thửa thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
d) Đối với đất rừng sản xuất, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa bằng 10.000m2.
Không áp dụng hạn mức diện tích tách thửa đất tại khoản 1, khoản 2 Điều này đối với các trường hợp:
a) Tách thửa đất để thực hiện quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Sau khi nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn diện tích thửa đất tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này thì chủ sử dụng đất được phép giữ lại nhưng khi xây dựng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng (trừ trường hợp người sử dụng đất có đơn đề nghị nhà nước thu hồi đất theo quy định).
c) Tách thửa đất đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới bảo đảm diện tích tối thiểu được phép tách thửa, tách thửa đất để mở rộng lối đi hoặc hình thành lối đi mới.
d) Tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các dự án đầu tư được UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Quyết định 26/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành từ ngày 28/10/2024.