Quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là mạng lưới sân bay, đã được xác định là động lực cốt lõi thúc đẩy nền kinh tế – xã hội của đất nước. Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam, đây không chỉ là yếu tố then chốt mà còn là bước đi chiến lược để đưa Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ quốc tế.

Khai thác không gian và vai trò của hạ tầng hàng không

Thủ tướng gần đây nhấn mạnh việc khai thác không gian vũ trụ, biển và không gian ngầm là các nhiệm vụ ưu tiên. Tuy nhiên, khai thác không gian vũ trụ không chỉ là phóng tàu hay thám hiểm, mà thực chất nằm ở việc đầu tư và vận hành hiệu quả hạ tầng hàng không.

Sân bay Vân Đồn nhìn từ trên cao- sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Ánh Dương

Hiện nay, Việt Nam có 22 sân bay, phục vụ khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, và dự kiến sẽ nâng lên 33 cảng hàng không vào năm 2050, theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải. KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, so với các nước phát triển, hệ thống sân bay của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc bổ sung sân bay mới là cần thiết để kết nối giao thương, vận tải giữa các địa phương, đồng thời đảm bảo cả mục tiêu quốc phòng và phát triển kinh tế.

Bài học từ các quốc gia phát triển

Mỹ – quốc gia có 345 triệu dân, sở hữu hơn 19.600 sân bay, trong đó gần 5.100 là sân bay công cộng. Điều này phản ánh tầm quan trọng của việc quy hoạch mạng lưới sân bay. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển sân bay để phục vụ không chỉ vận tải mà còn đáp ứng nhu cầu di chuyển cá nhân, bao gồm máy bay trực thăng và máy bay tư nhân.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam. Ảnh: NVCC

Từ đó, Việt Nam cần hoạch định hạ tầng giao thông mang tính bền vững, đón đầu xu hướng, đặc biệt là mạng lưới sân bay lưỡng dụng, phù hợp với từng địa phương.

Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển hạ tầng giao thông

Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là sân bay, đang dần thu hút sự tham gia mạnh mẽ từ khối tư nhân. Một ví dụ điển hình là sân bay quốc tế Vân Đồn – cảng hàng không mới do tập đoàn tư nhân đầu tư, đạt tiêu chuẩn quốc tế và thời gian triển khai chỉ trong 24 tháng, trên địa hình phức tạp. Đây không chỉ là sân bay thương mại mà còn đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ giải cứu và logistics.

Sân bay Gia Bình dự kiến hoàn thành trong 12 tháng. Ảnh: Phối cảnh minh hoạ Sun Group

Sắp tới, dự án sân bay Gia Bình tại Bắc Ninh, do Sun Group cam kết triển khai, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá lớn. Với cam kết hoàn thành trong 12 tháng, đây là minh chứng cho năng lực vượt trội của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng.

Cần cơ chế rõ ràng để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân

KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, để khối tư nhân phát huy tối đa vai trò, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi thông qua các chính sách ưu đãi vay vốn, cơ chế quy hoạch minh bạch và chính sách hài hòa. Quy hoạch phải đi trước, làm nền tảng để doanh nghiệp tự tin đề xuất tham gia dự án.

Hạ tầng giao thông không chỉ là “xương sống” kết nối các địa phương mà còn là chìa khóa mở ra tương lai phát triển bền vững, đưa đất nước hội nhập mạnh mẽ vào dòng chảy toàn cầu.

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận về bất động sản này