Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ là một công trình trọng điểm quốc gia mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho khát vọng vươn tầm của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Với tổng diện tích 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, dự án này được thiết kế đạt chuẩn cấp 4F – một trong những trung tâm trung chuyển hàng không hiện đại nhất khu vực.

Tầm vóc và động lực phát triển kinh tế – xã hội

Dự án được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư ước tính hơn 16,06 tỷ USD (tương đương 336.000 tỷ đồng). Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ xây dựng một đường băng, một nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ, dự kiến phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sau khi hoàn thiện cả 3 giai đoạn, công suất của sân bay sẽ tăng lên 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các gói thầu quan trọng (Ảnh: Duy Phương)

Sân bay Long Thành không chỉ là cửa ngõ giao thương quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ. Đây là cực tăng trưởng mới, góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế địa phương từ công nghiệp sang thương mại, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao như hàng không, bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo.

Hạ tầng đồng bộ – Yếu tố then chốt

Để tận dụng tối đa hiệu quả sân bay, hạ tầng giao thông kết nối đang được ưu tiên phát triển. Tỉnh Đồng Nai cùng Chính phủ đã triển khai nhiều dự án quan trọng, bao gồm việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10 làn xe, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối trực tiếp từ sân bay đến TP.HCM, TP. Biên Hòa và sân bay Tân Sơn Nhất.

Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các gói thầu quan trọng (Ảnh: Duy Phương)

Bên cạnh đó, mô hình đô thị sân bay hiện đại cũng đang được quy hoạch, bao gồm các khu công nghiệp, logistic, mảng xanh sinh thái và hệ thống giao thông công cộng như xe buýt nhanh (BRT) và đường sắt nhẹ (LRT). Đây sẽ là tiền đề thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo thành một trung tâm logistic hàng đầu khu vực.

Giải pháp nhân lực và thách thức thi công

Dự kiến, sân bay Long Thành sẽ cần hơn 12.000 lao động, từ phổ thông đến trình độ cao. Các chương trình đào tạo nhân lực đã được Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 cùng các cơ quan chức năng triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu này, đặc biệt dành cho con em vùng dự án.

Đại công trường sân bay Long Thành chụp tháng 1/2025

Quá trình xây dựng sân bay cũng gặp nhiều thách thức, từ tính phức tạp của công trình đến yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà thầu và chủ đầu tư, các khó khăn đã dần được khắc phục. Đặc biệt, việc thi công vào ban đêm giúp rút ngắn tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn lao động.

Nguồn: cafef.vn

Bình luận về bất động sản này