Chiều ngày 2/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự đầy đủ.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội
Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, cả nước phải hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, riêng năm 2025 phấn đấu hoàn thành 100.000 căn.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với tổng diện tích hơn 9.737 ha đất dành cho nhà ở xã hội. Đã có 679 dự án được triển khai, tổng quy mô lên tới 623.051 căn hộ. Trong 5 tháng đầu năm 2025, cả nước đã hoàn thành 22.649 căn, khởi công thêm 21 dự án mới với khoảng 20.428 căn.
Hậu Giang chủ động thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội

Tại Hậu Giang, theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh được giao chỉ tiêu xây dựng 1.400 căn nhà ở xã hội. Đến nay, các nhà đầu tư đã xác định địa điểm cho hơn 1.500 căn, trong đó đã hoàn thành trên 400 căn hộ. Trong năm 2025, tỉnh đặt chỉ tiêu xây dựng hơn 200 căn, nhưng thực tế các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện khoảng 300 căn – cho thấy sự chủ động và quyết tâm lớn của địa phương.
Vướng mắc lớn: Thể chế và thủ tục hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là về thể chế và thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn rườm rà, kéo dài thời gian thực hiện. Việc ban hành Nghị quyết 201/2025/QH15 được xem là bước đột phá nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và chính quyền địa phương.
Yêu cầu triển khai đồng bộ, đầy đủ hạ tầng
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần triển khai ngay các nội dung của Nghị quyết, không để chậm trễ. Đồng thời, các dự án nhà ở xã hội phải được đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải rà soát lại nhiệm vụ, kiểm đếm tiến độ thực hiện, phân tích rõ các kết quả đã đạt được, những tồn tại và đưa ra giải pháp khắc phục từ nay đến cuối năm 2025.