Chiều 4/6/2025, tại TP Cần Thơ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang và Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng nhằm triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đồng thời định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh sáp nhập ba địa phương.

Hợp nhất ba tỉnh: Hội tụ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc hợp nhất Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng sẽ tạo tiền đề thuận lợi để liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế, văn hóa, xã hội; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Ba địa phương này có thể bổ trợ, bù đắp và cộng hưởng lợi thế lẫn nhau, tạo nên một cấu trúc kinh tế đa dạng, linh hoạt và bền vững hơn.
Cần Thơ mới: Trung tâm động lực phát triển vùng

Tổng Bí thư đề nghị, TP Cần Thơ sau hợp nhất cần nhanh chóng xác lập vai trò là cực tăng trưởng năng động ở trung tâm tiểu vùng Tây Nam Bộ, làm đầu mối giao thương và lan tỏa phát triển ra toàn khu vực. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TP Cần Thơ mới không chỉ cộng gộp các tiềm năng sẵn có của ba địa phương mà còn phải kiến tạo các chuỗi giá trị mới, dựa trên thế mạnh bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, lấy kết nối hạ tầng, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn làm trụ cột phát triển bền vững.
Lựa chọn cán bộ: Đảm bảo công tâm, minh bạch

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ sau hợp nhất không chỉ là để lấp đầy các vị trí trong sơ đồ tổ chức mà là để hình thành một đội ngũ lãnh đạo dám hành động, dám chịu trách nhiệm, có khả năng dẫn dắt sự thay đổi. Phải đặt năng lực thực tiễn, đạo đức công vụ và uy tín trong nhân dân làm tiêu chuẩn cao nhất. Đặc biệt, cần giải quyết đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động trực tiếp từ việc sắp xếp.
Đại hội Đảng bộ các cấp: Khởi đầu giai đoạn phát triển mới
Tổng Bí thư nhấn mạnh, năm 2025 là thời điểm hoàn tất quá trình sáp nhập cấp tỉnh và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đại hội Đảng bộ các cấp không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng thường kỳ mà còn là cột mốc khởi đầu giai đoạn phát triển mới cho địa phương hợp nhất. Công tác chuẩn bị đại hội, đặc biệt là xây dựng văn kiện đại hội, phải được tiến hành công phu, bài bản và khoa học, bám sát Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị. Báo cáo chính trị trình đại hội đảng bộ các cấp cần tích hợp hài hòa thành tựu, bài học, tiềm năng và định hướng từ cả ba địa phương trước sáp nhập; đồng thời khẳng định rõ tầm nhìn mới, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của một địa phương đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện.